top of page

Chúng ta ai cũng có một thời để yêu và một đời để nhớ mối tình đầu lãng mạn và nhiều lưu luyến khó quên.

Truyện ngắn dễ thương "Tình Tôi Dạo Ấy" đưa ta về những ngày chập chững vào đời yêu thầm ai kia mà không dám ngỏ lời. Mà khi có cơ hội thì ấp a ấp úng không nói thành lời, đành ngẩn ngơ nhìn để suốt đời tự trách.

Tình yêu thuở ban đầu đẹp làm sao. Mời bạn đọc hãy cùng ta trở về quá khứ của những ngày trong sân trường luống cuống trao thư và những buổi theo em những đoạn đường đầy lá me bay, hát khẽ "Anh theo Ngọ về". Truyện tuy cũ nhưng đọc lại vẫn thấy hay và bồi hồi.

Trường Phúc

TÌNH TÔI DẠO ẤY

Thân tặng những người sắp yêu, đang yêu và đã yêu.

Là Lính hay là Dân sự, là quan cũng như là dân, ai cũng có một thời để YÊU  và một thời để . . . CHẾT.
(không tính tới những thời ngồi bên nhau . . .  để cãi lộn).
Thần Ái Tình có thể đến với bạn bất cứ lúc nào, và ngược lại, Thần Chết cũng có thể ngoắc tay kêu bạn đi trong  bất cứ thời gian, không gian nào.
Đúng dịp Valentine day, một Huynh Trưởng đã từ miền hái trái cây xa xôi Queensland đến thăm tôi.
Xin giải thích rõ: Huynh Trưởng là một “Đại Danh Từ” mà tôi dùng một cách trân trọng, để gọi  những vị đã “Đăng Lính” Việt Nam Cộng Hoà để bảo vệ Tổ Quốc Miền Nam Việt Nam trước tôi. Từ thời đăng lính đó cho tới bây giờ, những quý vị này đã có một cuộc sống hoặc đã làm những điều gì mà tôi tâm phục, khẩu phục.
Ngoài ra, những người bạn khác mà tôi đã quen hoặc chưa quen,  đều là bạn lính và bạn dân sự của tôi cả, mà tôi cũng gọi một cách trân trọng là . . . Bạn Hiền.
Tôi phục huynh trưởng này là vì, từ khi định cư ở Úc cho đến bây giờ, ông ta đã chưa hề nằm nhà lãnh trợ cấp thất nghiệp một ngày, một giờ nào cả, chưa hề đến thăm văn phòng của hãng gạo này một lần nào, vì bất cứ lý do gì!
Sau vài câu chuyện, tôi đổi đề tài, hỏi huynh trưởng có ý kiến gì về “Ngày của Tình Yêu”?
“Ngày của Tình Yêu?. . . Dẹp đi! . . .  Xưa rồi”!
Tôi vẫn tiếp tục hỏi:
“Nhưng mà, chắc chắn anh cũng đã Yêu? Và Yêu khờ dại? It ra một lần?”
Mặt huynh trường này bỗng thờ thẫn  ra, để trở về với quá khứ hàng chục năm về trước. . .
“Hồi đó, tôi đang học lớp Đệ Nhị (lớp 11 bây giờ) trường Chu Văn An. Hằng ngày cong đuôi đạp xe đạp từ Thị Nghè tới Chợ Lớn. Đường xa, đạp xe ná thở, nhất là những buổi trưa hè, chạy ngang qua đuờng Hồng Thập Tự, tiếng ve sầu kêu rỉ rả buồn lắm. Ngày nào tôi cũng nhìn quanh nhỉn quẩn đế tìm bạn đồng hành, nói chuyện cho vui. Tình cờ, một hôm, tôi gặp một cô học sinh cũng đang đạp xe đạp đi học như tôi.

Đúng là tiếng . . . Sét Ái Tình! 
Thấy cô là tôi cảm ngay, thích ngay! Vì cô chính là mẫu người mà tôi đã tưởng tượng ra để mà thầm yêu. Thế là tôi cứ thế đạp xe theo đuôi cô nàng mà lòng bồi hồi thổn thức.
Về phần cô gái, trong vài ngày đầu, có thể cô chưa để ý gì tới tôi, nhưng sau cả tuần lễ, cứ thấy một anh chàng đạp xe cặm cụi theo đuôi mình, thì cô dần dần cũng để ý, và có vẻ . . . thẹn thùng cảm động. Có khi cô đạp xe nhanh hơn lên tuốt về đằng trước, cũng có khi cô đạp chầm chậm lùi lại phía đằng sau tôi, chắc là để kiểm soát xem, có thật là tôi đang đeo cô ta hay chăng?
Có hôm được nghỉ giờ đầu, tôi làm gan theo cô tới tận trường, mới biết cô học trường Nguyễn Bá Tòng, ở đuờng Bùi Thị Xuân (qua khỏi Ngã Sáu Sài Gòn). Thế là sau đó, mỗi buổi tan học, tôi đã phải đạp xe thật nhanh, đạp lè lưỡi,  để tới chờ nàng ở trước cổng trường. Gập rồi, tôi chỉ dám đạp xe đi theo sau cô ta mà thôi, làm đủ mọi cách để cho cô biết là có tôi theo đằng sau, chỉ nhiêu đó thôi là tôi đã cảm thấy vui vẻ hạnh phúc lắm rồi!
Cả tháng sau (không phải ngày nào tôi cũng gập cô), sau khi đã suy nghĩ tới lui, uống đủ loại thuốc liều, tôi mới dám bạo gan . . . đạp xe lên song song với cô để nói chuyện làm quen. Mặc dù đã học thuộc lòng những câu nói xã giao, tôi cũng vẫn cứ lọng cọng, lúng túng như thường. Mặt tôi đỏ lên, miệng tôi ấp úng không ra lời, để rồi cuối cùng, cô gái, dù cũng đang đỏ mặt mắc cở giống tôi, nhưng cũng  đã lên tiếng gỡ bí cho tôi:
“Chào . . . ÔNG”
Tôi như người chết đuối vớ được cái phao, vội vàng ấp úng, lên tiếng:
“Chào . . . Chào . . . Chào . . . Chị”
Đáng lẽ, theo đúng sách vở, tôi phải gọi cô là CÔ, nhưng tôi quýnh quáng quá (nói theo kiểu các huynh trưởng trong Thủ Đức, tôi còn quờ quạng quá), nên đã kêu cô bằng . . . chị.
Tôi chỉ nói duy nhất được có một câu nói đó rồi thôi. Bao nhiêu nhiệt điện, bao nhiêu năng lực của tôi đã tích tụ từ mấy tháng nay cũng chỉ giúp tôi  nói được có một câu duy nhất đó thôi, rồi chết máy luôn, không nói được thêm lời nào nữa. Thậm chí tới khi cô rẽ phải đi về nhà, tôi cũng không làm sao đủ can đảm nói lời chào từ giã . . .
“Tại vì hai đứa ngây thơ, 
Tình tôi dạo ấy là . . . ngơ ngẩn nhìn . . .”
(Thơ Nguyễn Tất Nhiên, nhạc Anh Bằng)
Về đến nhà, tôi đã vui suốt ngày hôm đó, vì đã được người đẹp nói chuyện với mình. Nhưng lại giận mình ghê gớm, vì đã không nói lên được câu nào làm quen cả. Tôi đi vấn kế một bạn thân đã từng . . . có bồ. Nó đã làm tôi lên tinh thần hết biết khi bật mí cho tôi hay rằng: Hồi mới làm quen với cô bạn gái,  nó ăn nói còn lúng túng vụng về còn hơn tôi nữa! Nó quờ quạng tới nỗi, khi được cô bồ  nói
“. . . Chào Ông”,
Nó đã hoảng hồn mà chào lại là
“. . . Chào  B . . . BÀ!!!”.
Tôi và nó đã ngồi suốt buổi chiều để vẽ ra, đưa ra những câu nói làm quen mà tôi sẽ phải nói vào dịp tới.
Trưa hôm sau, khi gập lại cô gái trên đường về, cả hai chúng tôi đều có vẻ ngượng ngùng mắc cở. Tôi vẫn lóc cóc đạp xe đi sau một lúc lâu mới dám đạp lên ngang hàng với cô. Tôi đã mang hết cả can đảm ra mà mở lời chào trước:
“. . . Chào. . . Cô”
Tôi đã sung sướng hơn cả nằm mơ khi cô nàng đã mỉm cười lại với tôi và chào lại với giọng nói thật là dễ thương:
“Chào . . . Anh”
Thế là chúng tôi quen nhau từ đó.
Tên cô bạn gái của tôi (tạm gọi) là Khánh, học lớp Đệ Tứ, Trường Nguyễn Bá Tòng.
Từ đó, mỗi ngày tan trường về, tôi phải đạp xe thật nhanh, đạp ná thở, đạp quên thôi, để kịp gập Khánh ở ngay cổng trường hoặc trên đường Hồng Thập Tự. Sau nhiều lần gập gỡ, tôi có xin địa chỉ để đến nhà thăm Khánh, và cũng đã được giới thiệu sơ qua với người anh trai của Khánh, cũng trạc tuổi tôi.
Gần tết, là dịp mọi người vui vẻ đi chợ hoa, sắm đồ tết. Tôi cũng đã dự tính sẽ một ngày nào đó mời Khánh đi xem xi nê, ăn kem rồi dạo chơi chợ hoa ngắm hàng tết.
Vấn đề quan trọng nhất là phải làm sao kiếm ra TIỀN. Tôi phải có đủ số tiền tối thiểu để mua hai cái vé hát ở rạp Rex và hai ly kem ở Mỹ Hương. Mốt của thời đó là đưa đào đi xem xi nê xong là phải đưa nàng đi ăn kem, vì ở chỗ này mới nói chuyện hẹn hò được, chứ còn ở trong rạp xi nê thì nhiều lắm là nắm tay nhau xem phim thôi.

Kem dừa ở quán Mai Hương là . . . Tuyệt cú mèo!
Lúc đó, tôi chỉ là một cậu học sinh thuần túy, ngoài bộ quần áo đồng phục học sinh (quần xanh biển, áo sơ mi trắng) mặc hằng ngày, thì tôi đâu còn có cái gì khác nữa đâu! Đào đâu ra tiền mà mời đào đi chơi? Không lẽ có đào mà đành phải ngồi nhà:
“Nhìn vầng trăng sáng lung linh,
Nhìn em mười sáu như cành hoa lê ???”
Bố tôi hồi đó làm thầy giáo, lương ba cọc ba đồng, còn mẹ tôi ở nhà làm việc nội trợ. Bố tôi lâu lâu lãnh tiền . . . ráp pen (tiền thưởng), cũng có cho tôi vài đồng uống nước, nếu để dành thì đến bao giờ tôi mới đủ tiền mời người đẹp đi chơi? Nhưng nếu không đi chơi riêng với nhau thì làm sao mà tỏ tình? Làm sao mà nói chuyện thương với yêu?Khó quá! Lỡ mà:
“Rồi mùa thu ấy qua đi,
Chợt em mười tám chợt nghe lạnh lùng.”
tôi chỉ dám nghĩ tới đây thôi, chứ không dám nghĩ tiếp nữa. . .
Dịp may đã tới! Anh tôi xin được một chân dậy học ở một trường công lập ở ven đô, anh lãnh lương kỳ đầu, dúi cho thằng em ít tiền lẻ. Tôi giúp bố tôi soạn bài dậy học, được ông cho một ít nữa. Tôi chạy tới chạy lui mấy thằng bạn mượn thêm ít tiền, thế là đủ tiền mời Khánh đi chơi rồi. Tôi cầm tiền mà mừng hết lớn, nghĩ tới một chiều Chủ Nhật nào đó, được nắm tay Khánh dẫn đi trên con đường Nguyễn Huệ, hạnh phúc biết là chừng nào! Tôi thiếu điều muốn nhẩy cỡn lên như cô Bê Rét khi nghĩ tới số tiền mình có sau khi đã bán xong liễn sữa bò.
Tôi đã phải dùng hết mười thành công lực mới có đủ nghị lực mời Khánh đi xi nê: Hết viện cớ đó là một phim thật hay, cả đời mới có một lần, đang chiếu ở rạp Rex, Sài Gòn, lại nói tới ngày hôm đó là Chủ Nhật gần tết, đi xem xi nê xong thì đi dạo chợ hoa, một công mà hai việc . . .
Khánh đã rất cảm động khi nghe tôi mời đi chơi, nhưng cô đã hết viện dẫn lý do này tới lý do khác để từ chối:
“. . . Ba mẹ của Khánh khó lắm, Khánh không dám xin đâu!”
Rồi lại:
“Hồi này thầy ra bài vở nhiều quá, Khánh phải làm bài, không thì bị phạt cấm túc.”
Cuối cùng là:
“. . . Khánh phải trông cháu cho chị bán hàng. . .”
Để từ chối lời mời chân thành của tôi. Tôi phải cong lưỡi mới tới mấy ngày, Khánh mới nhận lời, nói rằng:
“May quá, Ba đi công tác, Khánh bạo gan xin phép Mẹ, nói dối rằng ”Tới thăm cô bạn gái”.
Được Khánh nhận lời đi xem xi nê, tôi mừng quá chừng quá đỗi.
Bây giờ mới là giây phút gay go kế tiếp cho tôi: Tìm ra một bộ đồ chiến để diện với đào!
Hàng ngày đi học, tôi có quyền mang dép săng đan (sandal), mặc quần kaki, nhưng khi đi chơi với gái, lại đi xem xi nê ở rạp Rex nữa, ai lại mặc quần kaki xanh dương,  mang dép bao giờ?
Quần mặc tết năm ngoái, tôi mặc thử, tuy ngắn một chút, nhưng cũng còn . . . được lắm! Nhưng tìm đâu ra đôi giầy bây giờ?Tôi thậm thụt ngó đôi giầy của anh tôi mới mua để đi dậy học. Lúc anh không có nhà, tôi đã mặc quần tết, mang thử đôi giầy của anh, đứng trước gương ngắm nghía cả nửa tiếng đồng hồ, thấy mình đẹp trai hẳn lên.
Hôm sau, lúc anh tôi đi dậy học về, tôi lấy sira đánh đôi giầy của anh bóng loáng lên, rồi làm gan . . . hỏi anh cho mượn đi chơi đỡ một buổi. Anh tôi cũng thông cảm cho mượn liền, chỉ nói đừng có chạy mà làm hư đôi giầy kiếm tiền của ảnh. Tôi ủi đi ủi lại cái áo sơ mi trắng và cái quần tết, lôi đôi giầy của anh tôi ra đánh nữa, bóng tới nỗi con ruồi đậu lên trên cũng bị té xuống đất, mà vẫn thấy chưa đủ! Thậm chí có mấy đồng tiền, tôi cũng đem ủi thẳng băng, móc ra bỏ vô túi thật nhiều lần cho nó có vẻ . . . dân biết xài tiền.

Tình tôi dạo ấy . . .
Ngày vui đã gần kề, tôi nhắc đi nhắc lại cho Khánh nhớ địa điểm hẹn, ở ngay trước cửa nhà sách Khai Trí, đường Lê Lợi, mà ai ai cũng biết. Khánh đã phải nói nhiều lần là nhớ rồi, tôi vẫn thấy không yên tâm.
Giờ hẹn là hai giờ chiều Chủ Nhật, mà mới một giờ tôi đã có mặt ở nhà sách Khai Trí. Tôi đọc hết cuốn sách này tới sách khác mà vẫn chưa đến giờ hẹn, tôi ra ngoài đi vòng vòng ở khu đi bộ để chờ Khánh tới.
Đây rồi, Khánh đã tới! Đúng giờ gớm! Tôi cảm động ra mặt, đang định bước ra để đón cô bạn gái, bất chợt tôi khựng lại thật nhanh:
Khánh của tôi không đi một mình, mà lại kèm theo cô em gái nữa!
Cả hai đang nhớn nhác nhìn quanh kiếm tôi.
Tôi hoảng quá, vội vàng quay ngược lại, đi ra xa điểm hẹn, vừa đi vừa suy nghĩ thật nhanh:
“Trời hỡi! Làm thế nào bây giờ?
Tôi chỉ có đủ tiền mua hai vé xi nê, hai ly kem mà thôi, không dư lấy một cắc. Tiền đâu ra mà mua thêm vé cho cô em gái này?
Không lẽ chỉ đi xin nê không thôi, rồi về, không đi ăn kem gì cả?Hoặc là . .
Chỉ đi ăn kem thôi, không đi xi nê nữa?
Tôi bối rối quá!
Tại sao Khánh đã nhận lời đi chơi với tôi rồi, lại còn dẫn theo cô em gái làm chi cho tôi kẹt giỏ như vầy?
Phải chi tôi có việc làm nào đó, kiếm ra tiền, hoặc là tôi mượn thêm được ở đâu một ít tiền nữa, thì tôi đâu có phải suy nghĩ làm chi cho mệt!
Chán quá!
Tôi suy nghĩ lung lắm, rồi quyết định . . . đi về luôn, không hẹn hò gì nữa cả!
Đành phải cho Khánh . . . leo cây vậy!
Tôi tiếc buổi đi chơi như đứt ruột, nhưng không thể nào ra điểm hẹn để gập Khánh được, vì đi xi nê cũng không xong mà đi ăn kem suông cũng không ổn.
Thôi thì . . . Tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách!
Tôi không về nhà ngay, đạp xe đến thằng bạn đã có bồ mà kể lại câu chuyện và xin diệu kế. Thằng bạn không biết khuyên giải ra sao, đành thở dài giùm tôi mà thôi.
Tôi đem bộ mặt đưa đám về nhà. Anh tôi hỏi:
“Đi chơi có vui không?” 
Tôi chẳng nói chẳng rằng, thay quần áo, trả đôi giầy lại cho anh rồi chui vào một góc nhà mà ngồi suy nghĩ miên man. Tôi không biết nên giận Khánh hay giận cô em gái đã “Kỳ đà cản muỗi”.  Không biết Khánh đã tự ý dẫn cô em gái đi theo, hay là cô em thấy vui thì đòi đi ké?Thôi thì đành phải để cho mùa thu qua đi thôi, chứ biết làm gì nữa bây giờ?
“Rồi mùa thu ấy qua đi
Chợt em mười tám chợt nghe lạnh lùng
Thuyền đành xa bến sang sông
Hàng cây trút lá tình đi lấy chồng..
Lõ Khánh mà đi lấy chồng thì tôi sống sao nổi!
Đã vậy, Khánh sẽ nghĩ gì về tôi?
Tôi đã năn nỉ Khánh biết bao nhiêu lần mới được cô nhận lời, tại sao hẹn mà lại lỡ  hẹn? Tôi rõ ràng là chơi không đúng mốt rồi. Mốt của tình yêu từ xưa tới nay, chì có con gái mới có quyền cho kép leo cây, chứ kép ít khi có dịp làm bảnh cho đào leo cây lắm. Bằng chứng là, Hồ Dzếnh chỉ làm thơ kể lể:
“Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé, 
Anh sẽ trách, cố nhiên, nhưng . . . rất nhẹ”
Còn Trần Thiện Thanh thì hát:
“Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé, 
Để anh buồn như . . . anh chàng làm thơ.”
Khánh có còn muốn làm bạn với tôi nữa hay sẽ giận mà cho tôi đi luôn?Tôi còn đủ can đảm để gập lại Khánh nữa hay chăng? Tôi sẽ ăn nói với Khánh như thế nào?
Dù là lỗi tại ai đi nữa, hôm nay tôi cũng đã mất mặt, và mất một ngày vui!
Đến tối, chị tôi mới đi làm về, thấy tôi chưa ăn cơm mà ngồi cú rũ một góc thì chị ngạc nhiên mà đến hỏi lý do? Tôi hậm hực trút giòng tâm sự. Chị nghe xong thì cười như nắc nẻ:
“Con gái ấy mà! 
Khánh nó ngại là em sẽ coi thường nó, khi thấy nó nhận lời đi chơi với em dễ dàng quá (?),  nên nó mới đưa đứa em đi theo cho có vẻ . . . con nhà lành ấy mà! 
Nó cũng ngây thơ, cứ tưởng có đứa nhỏ đi theo, đâu có tốn kém bao nhiêu? Nó đâu có biết là em . . . chỉ đủ tiền cho hai đứa mà thôi! 
Đừng giận Khánh, nó cũng . . . con nít như em vậy mà! 
Nó cũng muốn đi chơi với em, nhưng lần đầu thì còn e ngại nên mới làm như vậy mà thôi!
Yên chí, lần sau cô ta sẽ không đưa cô em theo nữa đâu! 
Tôi nghe chị giải thích thì cũng xiêu lòng, nhưng cũng không dám tin ngay để mời Khánh đi chơi lần khác. Biết đâu lần khác này, Khánh không dẫn cô em gái đi theo, nhưng lại dẫn . . . Mẹ đi theo trông chừng, thì tôi không biết độn thổ đi đâu?
Hai ngày sau tôi mới gặp Khánh, mặt cô buồn buồn, không thèm chào hỏi gì tôi cả. Tôi lờ đi, coi như không có chuỵên gì xẩy ra, mà can đảm nói dối:
“Xin lỗi Khánh, tôi đi tới chỗ hẹn sớm lắm! Nhưng nửa đường thì . . .  đau bụng quá, phải tìm chỗ đi. Tại vì buổi sáng,  tôi có ăn cơm nguội mà lại không hâm nóng lại.”
Khánh nghe ra thì tin là thật, nên vui vẻ trở lại mà xuýt xoa tiếc cho buổi đi chơi không thành. Tôi vui vẻ kể lại cho Khánh sơ lược của cuốn phim mà chúng tôi đã dự định đi xem, càng làm cho Khánh tiếc rẻ thêm . . .
Tôi nhìn Huynh Trưởng bằng cặp mắt thông cảm, rồi xuống một câu vọng cổ thiệt là mùi:
“Rồi . . . sao nữa, Huynh Trưởng?”
Huynh Trưởng của tôi uống cạn ly nước lạnh, đổi bộ mặt buồn so thành vui vẻ, mà rằng:
“Tình . . . Học Sinh mà! Ngây thơ, khờ dại và đẹp như vậy đó! 
Nhưng rất tiếc là tôi đã mất cuộc tình đó rồi!”
“Sao dzậy?Cuộc tình tuy có tốn nhiều mồ hôi, tuy có . . . đau bụng một chút, nhưng là một cuộc tình đầy triển vọng, và rất là . . . Valentine. Sao lại kết thúc không đẹp tí nào hết vậy?”
Huynh trưởng của tôi trầm ngâm kể tiếp:
“Không, không, cuộc tình của tôi vẫn đẹp như thường, đẹp lắm chứ! Tôi và Khánh thông cảm với nhau, và cùng hẹn một dịp khác, sẽ đi chơi xem xi nê lại.
Thế nhưng thời thế nó không chiều lòng người: Tết đó bọn Việt Cộng nó tổng tấn công Sài Gòn, nhà tan cửa nát. Nhà tôi ở Thị Nghè, nên chạy ra vùng Xa Lộ xem đánh nhau.  Khu Hàng Xanh bị nặng nhất, mà nhà Khánh thì ở trong đó!
Toàn khu vực đã bị bọn VC chiếm,  bên ta đang đánh lấy lại. Tôi chạy theo đám người tỵ nạn đang cuống cuồng tìm lối thoát ra khỏi vùng giao tranh, để hy vọng tìm được Khánh và gia đình cô. Tôi đã chính mắt trông thấy bọn VC cướp của giết người, tôi cũng chính mắt chứng kiến những chiến sĩ Biệt Động Quân kiêu hùng, đã vì dân mà trừ bạo, đánh trận ở đầu cầu Xa Lộ thật là oai hùng, nên từ đó đã có ý định làm “Anh Hùng Mũ Nâu” mà tòng chinh giúp nước.
Cuối năm, tôi đậu Tú Tài I, tình nguyện đi Thủ Đức liền. Trước ngày trình diện nhập ngũ, tôi có đến nhà tìm Khánh để nói cho cô nghe quyết định của tôi. Khánh tỏ vẻ ngạc nhiên, vì chưa bao giờ nghe tôi nói tới chuyện đi lính cả! Tôi ngại ngùng không muốn mời Khánh đi chơi, vì sợ Cha Mẹ Khánh nghĩ rằng tôi lợi dụng ngày cuối để rủ cô đi.
Sau thời kỳ huấn nhục, tôi đuợc đi phép lần đầu tiên, có ghé nhà thăm Khánh, nhưng lại không gập, vì cô bận đi với mẹ thăm mấy người bà con.
Ra trường, tôi còn mấy ngày phép, nên mặc bộ quần áo dân sự và mượn chiếc xe Honda của người anh để  tới nhà thăm Khánh. Tôi đã mời Khánh đi chơi lần thứ nhì, Khánh đồng ý ngay và tôi đã được giới thiệu với Cha Mẹ Khánh để xin đưa cô đi phố.
Khánh ngồi sau xe, ôm vai tôi thật là dịu dàng và thân mật. Hai chúng tôi cũng đi xi nê, rồi đi ăn kem, nói chuyện vu vơ.
Tôi cho Khánh biết là đã tình nguyện đi Biệt Động Quân, và sẽ trình diện Bộ Tư Lệnh vào tuần sau. Khánh nhìn tôi từ đầu tới chân rồi cười mà nói:
“Anh tuy có tướng lính, nhưng . . . chưa có tướng làm lính Biệt Động! Vì Khánh đã có vài lần gập những ông lính BĐQ, mấy ông này trông  to lớn và . . . ngầu lắm!” 
Tôi cũng cười, trả lời:
“Vài tháng sau, Khánh sẽ biết, tôi sẽ có tướng BĐQ hơn cả những ông BĐQ mà Khánh đã từng gập đó!”
Trước khi về, tôi có nói là:
”Khi nào được phép, sẽ về thăm và mời Khánh đi chơi lần nữa?” 
Khánh nhìn tôi, cười thật tươi và trả lời:
“Khánh  rất hãnh diện khi được ông lính BĐQ mời đi chơi phố”.
Thế rồi, như anh biết đó, cuộc đời người lính Biệt Động hành quân liên miên, tôi lại được đổi về vùng IV, nên mất liên lạc với Khánh từ đó. Một mùa thu ấy qua đi cũng là te tua cuộc đời rồi, huống chi đã bao mùa thu qua đi trong đời lính của tôi. . .
Sau khi tan hàng, tôi bị đi tù cải tạo. Năm năm sau mới được trở về. Mẹ tôi hối thúc và lo đường vượt biên cho tôi, tôi từ giã Việt Nam thật là vội vã, không có thời giờ đi tìm Khánh nữa.
Qua tới Úc, tôi cũng có tìm kiếm hỏi thăm, nhưng không còn có tin tức gì của Khánh nữa cả!

“Nhìn em mười sáu như cành hoa lê . . .”
Cho đến nay, mỗi lần đi xi nê ở đâu, nhìn những cặp trai gái trẻ trung ríu rít bên nhau, tôi lại nhớ đến người tình nho nhỏ thời học sinh trước đây:
“Tại vì hai đứa ngây thơ
Tình tôi dạo ấy là ngơ ngẩn nhìn . . .”

NGUYỄN KHẮP NƠI.

 

 

Regards,

 

Phuc Nguyen

bottom of page