top of page

 

Tình yêu màu xanh thẳm


Sau ba năm bị đẩy về sống nơi vùng sâu vùng xa, chúng tôi vẫn còn phải hứng chịu ánh mắt kỳ thị của những người có quyền thế. Anh vẫn bị coi là kẻ ‘có tội’ với nhân dân. Sóng đời vẫn muốn vùi lấp anh vào lòng biển sâu đen thăm thẳm!
Anh càng ngày càng ít nói, cực khổ suốt ngày mà tối về cứ ngồi hút thuốc trong bóng đêm. Tôi kéo ghế đến ngồi bên cạnh, ngã đầu vào vai anh thì thầm: “Anh cứ nói hết những buồn sầu trong lòng để cho nhẹ bớt đi anh.” Anh ôm tôi, nhưng vẫn im lặng giữ kín nỗi buồn.
Khi tôi mang bầu đứa út, ruộng đậu nành mà anh đặt nhiều hy vọng, vì là giống mới cho năng suất cao, bỗng nhiên bị sâu. Anh mua thuốc sâu về xịt. Họ bán thuốc giả, nên khi anh xịt thuốc xong, sâu càng ngày càng nhiều hơn. Lúc đầu còn mướn người bắt, nhưng sâu nhiều tới nỗi họ bắt không kịp, phải nghiêng cây đậu vào xô để gõ cho sâu rớt xuống mà cũng không hết sâu, phải mướn máy cày đậu nành bỏ đi. Bao nhiêu công sức và tiền bạc đổ xuống đất mất hết. Cô của anh phải đi mượn tiền cho anh làm vụ mùa khác. Thương cho anh càng ngày càng héo hắt, tóc bạc nửa đầu!
Có thai trong lúc cảnh nhà thiếu trước hụt sau, rau cỏ xung quanh nhà và đường bờ ven mọc không kịp để tôi hái luộc chắm nước mắm ăn cơm. Không đủ dinh dưỡng, bé gái tôi sanh ra có màu da trắng xanh nhợt nhạt, có đôi mắt màu xám, có những sợi tóc tơ màu vàng hoe nằm sát da đầu, giống … con tây. (May mà quanh vùng đó không có ‘ông tây’ nào, nếu có chắc tôi cũng chết với miệng đời.) Tới một tuổi, tóc và màu mắt bé mới từ từ đen trở lại.
Chưa hết, cứ khoảng gần nửa đêm bé khóc tới 2 giờ sáng, dù tôi ôm bé vào lòng hát ru cũng không làm bé nín được. Bé cứ khóc như vậy suốt hơn 3 tháng mới dứt. Người ta gọi là khóc dạ đề. Sau này tôi mới biết, vì tôi ăn uống kham khổ quá bé bị thiếu Canxi, trằn trọc khó ngủ và hay giựt mình hoảng sợ, ôm bầu sữa mẹ bú cạn cũng ngủ không được, nên mới khóc tiếp. Thời gian đó tôi như bị trầm cảm, trời tối xuống một chút là bên tai lúc nào cũng vang vang tiếng trẻ khóc. Suốt mấy tiếng đồng hồ tôi phải nằm nghiêng một bên ôm bé khiến xương mỏi nhừ mà không dám trở mình vì sợ cháu khóc lớn hơn.
Mùa đậu nành sau đó thu hoạch thành công. Nợ trả xong, anh cũng nhẹ gánh một chút và bớt buồn hơn. Rồi lần lần, anh mới tâm sự với tôi: “Khi xưa, lúc anh còn nhỏ, ông nội anh là một chủ đất nhân hậu giúp cho nhiều tá điền làm việc cho ông lập gia đình, có nhà ở. Tự nhiên bây giờ họ lại dựng chuyện ông là địa chủ, vu khống cho ông tội ác bá, làm giàu trên sự cùng khổ của tá điền. Họ nói anh trở thành bần cố nông như vậy cũng còn ‘nhẹ tội’… Họ cứ bắt anh có mặt để ngồi nghe lập đi lập lại điều này, trong khi anh làm không hết công việc ngoài đồng. Họ muốn anh điên cuồng lên họ mới chịu!”
Nhờ có bé út mà anh thấy vui sống trở lại. Anh rất thương đứa con gái bé bỏng của mình. Đi ruộng về, anh tắm rửa sạch sẽ rồi leo lên võng nằm, để con bé ngồi trên bụng, chơi với con một hồi rồi mới ăn cơm. Con bé như món quà Chúa ban để an ủi cha mẹ, luôn ngoan ngoãn, hiếu thảo, biết vâng lời. Mới 3 tuổi, bé đã biết đem cơm cho mẹ ăn khi mẹ phải mượn sân người ta để phơi lúa. Khi cha nhổ mạ bó thành bó để sẵn, thì bé đội cái nón lá, 2 tay xách 2 bó mạ tới cho cha cấy. Từ xa ngó lại thấy bé giống hệt cây nấm biết đi. Gặp mấy lúc anh có chuyện bực tức liệng đồ đang cầm trên tay, bé chạy lại lượm để lên trên bàn, cơn giận liền tan biến, anh cúi xuống ẵm con lên, hai cha con nói chuyện vui cười khanh khách…
Vào các tháng nắng gắt phải lo bơm nước vô ruộng, tuy tốn tiền nhưng đỡ lo. Tới mùa mưa bão liên miên mới làm cho tôi kinh hoàng. Sợ nhứt là mưa giông vào ban đêm, trời tối mịt mùng, sấm chớp liên hồi. Những cơn bão giật khiến mái nhà lá run bần bật như sắp tung bay lên không trung. Anh đứng chống đỡ cột nhà chính, kêu tôi ôm con mặc sẵn áo mưa, đứng ở cửa trước, để khi nhà sập thì chạy ra. Bé sợ hãi nhưng không la hét, đưa đôi tay nhỏ bé ôm chặt cổ mẹ. Sau những lần như vậy, tôi thấy anh ôm con vào lòng lẩm bẩm “Cha không muốn con phải khổ như vầy đâu”.
Khi bé 8 tuổi, anh đi Vĩnh Long về mặt có vẻ trầm tư. Anh nói với tôi “Gia đình anh Sáu tổ chức đi, rủ anh đem vợ con theo. Em tính sao?” Tôi nói: “Anh đi đâu thì em theo đó”.
Sáu tháng trước khi lên đường, anh đưa vợ con lên tá túc nhà ngoại. Lần đầu tiên vợ chồng con cái năm người được sum họp vui vầy bên nhau, nhưng… niềm vui nào được dài lâu! Trước ngày lên tàu anh nói với tôi: “Một tuần nữa cả nhà mình sẽ gặp lại nhau. Bảy ngày lâu quá em ơi! Người ta có 1, 2 đứa con đã chán vợ rồi, còn anh có ba đứa con mà càng ngày càng thương vợ con nhiều hơn. Anh không muốn xa em và các con một phút nào.” Nghe lời yêu thương của anh, tôi xúc động ôm chầm lấy anh, mà không ngờ đó là những lời cuối cùng. Anh không muốn xa bốn mẹ con phút nào, nhưng đã đi biền biệt hơn 34 năm!
Sáu tháng sau, tin dữ tới bất ngờ, tôi như điên cuồng chạy tìm kiếm anh khắp nơi. Suốt một năm dài, cứ nửa đêm, ảo giác khiến tôi như nghe tiếng anh kêu cửa đã quật ngã tôi. Tôi vẫn lo cơm nước cho mẹ, các em và con cái, nhưng như một người máy không có sức sống. Tới một ngày, tôi bị ảo giác, chạy ra cửa không thấy anh, tôi trở bước vô ngồi cạnh giường nhìn các con đang say ngủ. Bỗng con gái ngồi bật dậy ôm tôi thủ thỉ: “Mẹ ơi, đừng bỏ con!”
Lời con thơ khiến tôi như bừng tỉnh sau cơn mê dài, dần dần trở lại cuộc sống bình thường. Tạ ơn Chúa đã cho tôi tìm được công ăn việc làm để nuôi con cho tới ngày các con trưởng thành.
Có một đoạn trong bài hát “Love is blue”:
“Tình sao màu đen lúc anh đã đi rồi
Khóc lên cho vơi u hoài…”
Khi nghe tin buồn, vì mãi lo chạy đi tìm anh khắp nơi, nên tôi không có khóc chút nào, những giọt lệ đọng lại như một vết thương nhiều lúc làm lòng tôi đau nhói, dù đã mấy chục năm trôi qua. Nhớ đến anh, tôi chỉ biết hướng về trời cầu xin Chúa cho anh được hưởng an bình nơi miền hạnh phúc vĩnh cửu.
Tóc Dài


 

bottom of page