Tình yêu màu xanh xám
Đời không như là mơ! Sau những ngày tháng biển lặng là cơn bão biển với con sóng bạc đầu cuốn chúng tôi đi theo vận nước.
Chúng tôi cứ tưởng sau thời gian yêu nhau ba năm rồi cưới nhau, cuộc sống chúng tôi sẽ êm đềm mãi. Không ngờ đúng một năm sau ngày cưới, Sài Gòn bị nhuộm đỏ. Chúng tôi trắng tay chạy về nương náu ở nhà mẹ ruột! Tình yêu 'xanh lơ' của chúng tôi biến thành... 'xanh mặt’ và 'xanh xám' luôn!
Tôi có thai khi chàng phải ra trình diện tập trung và hoàn toàn không có tin tức gì của chàng. Sau khi tôi sanh con được một tháng thì chàng được trả về nhà với thân tàn ma dại vì bịnh.
Chàng kể lại với tôi: “Thân xác tuy hao mòn, nhưng tâm trí luôn đong đầy những nỗi nhớ nhung vợ con khiến anh lúc nào cũng lơ mơ như là 'người ở trên mây'. Anh thường mơ thấy mình đứng giữa sa mạc hoang vu, gọi tên em mãi mà không thấy em trả lời. Em giờ ra sao? Bụng em chắc lớn lắm rồi. Em ơi! Bây giờ em đang ở đâu?...
Có lúc anh lại mơ thấy mình đứng trên lầu của Phòng Nhân sự nhìn xuống sân vào một buổi trưa nắng nhẹ và thấy 'một mái tóc biết đi'. Lần đầu tiên anh bị 'cú sét' ngất ngư, mà đâu phải ai xa lạ, đó là cô bé được bác chủ sự đặt tên là 'xấu hoắc' và ghép đôi cho anh. Từ khi học trung học cho đến khi vào đại học, anh thường được các bạn nữ săn đón nên hơi tự kiêu. Vậy mà bây giờ anh lại 'trồng cây si' một cô bé Sài Gòn 'quê một cục' không biết trang điểm và sơn móng tay, da lại 'ngăm ngăm' nữa chứ.
Nhớ em quá, anh lượm lặt những mẫu giấy người ta bỏ đi, cắt dán thành một cái bao thơ đề "Gởi đến: Vợ yêu quý của anh", mà không biết bao giờ mới gởi được cho em vì anh hoàn toàn bị chia cắt với cuộc sống bên ngoài.”
Tới khi được gặp lại chàng, cầm tấm thiệp đã bị gián kiến gặm nham nhở, tôi bật khóc ngon lành như chưa bao giờ được khóc…
Niềm vui tái ngộ mới được vài tháng thì chúng tôi bị buộc phải rời Sài Gòn về vùng sông nước Hậu Giang, theo chiến dịch hồi hương kinh tế mới của những người nắm quyền hành thời đó.
Vùng đất này lúc đó chưa có điện, nhà cửa thưa thớt, đèn dầu tù mù, 6 giờ chiều là trời tối 'lật bàn tay không thấy'. Đất ở đây thuộc loại 'níu chân người', khi mưa ướt đi 'lơ tơ mơ' là 'chụp ếch' ngay. Người dân thường đi chân không, để khỏi bị té thì ngón chân cái phải chỉa ra ngoài để bấm chặt xuống đất bùn lồi lõm trơn trượt của đường bờ ven.
Nguồn nước xài cho tất cả mọi sự ăn uống, tắm, giặt... đều nhờ vào con rạch nhỏ luồn theo bờ đất dọc theo các căn nhà của dân trong vùng. Những ngày nắng nóng, nước ròng sát lộ lớp bùn đen dưới đáy. Trong ba tháng nước nổi, vào các ngày nước rong, nước tràn vào 'túp lều tranh với hai quả tim chì' của chúng tôi, chỉ còn cách một tấc tay là tới mặt giường nằm. Cá lội tung tăng, lươn làm hang trên nền đất. Chồng tôi ngồi trên giường câu vài tiếng là có cá kho ăn no bụng. Muốn đi lại trong nhà, chúng tôi phải lấy thân cây chuối đóng xuống nền đất làm cọc và bắt các tấm ván ngang qua. Thức ăn được bán trên ghe xuồng, kêu một tiếng là họ đậu ngay trước cửa nhà.
Tôi gọi khúc quanh tình yêu này là 'xanh mặt', vì từ một cô gái Sài Gòn sống nơi chan hòa ánh sáng, chỉ một con sâu nhỏ cũng sợ, tôi phải về nơi không điện nước, tập sống chung với bóng tối, với lũ và với... rắn rít.
Nước ngập lênh đênh khắp nơi, chỉ có mái nhà lá là ấm áp và khô ráo nên những vị khách không mời cứ đến hoài làm gia chủ lúc nào cũng phải thủ một khúc cây trong giường. Rắn nhỏ bằng cỡ gang tay, còn lớn thì dài cả sải tay. Bắt nồi cơm khỏi lò định đặt xuống thì hết hồn vì con rắn đòn cân nằm khoanh tròn trong rế. Đêm nằm ngủ nghe sột soạt tưởng chuột cắn nơi vách lá, nào ngờ cái đầu đen càng ngày càng dài ra, vừa hét thất thanh "rắn", thì con rắn hổ hành to bằng cổ tay đã bò lên xà nhà. Rít thì bự khổng lồ dài cỡ 20 phân, thân bằng ngón tay cái. Chồng tôi bị rít cắn một lần nằm ôm chân rên rỉ, cả ngày nói "đau còn hơn đau đẻ". Tôi vừa lo lắng vừa buồn cười, nói đùa "anh đẻ lúc nào mà biết đau?!"
Chúng tôi như những kẻ tội đồ lạc loài, các nguồn tiếp tế từ Sài Gòn cho người bị thiệt hại vì nước lũ không tới được tay chúng tôi và người dân nghèo, chỉ có quan chức Xã Ấp thì giàu có hơn sau mỗi trận lũ lụt.
Túp lều tranh của chúng tôi nằm lọt thỏm giữa các cánh đồng lúa của nông dân quanh vùng. Hết mùa nước nổi, tình yêu chúng tôi chuyển màu xanh lá, màu của mạ non, của cánh đồng lúa đang thì mịn màng như những tấm thảm nhung trải dài bất tận. Màu xanh lá là màu của phát triển và hy vọng nhưng tôi chưa thấy tín hiệu gì vui.
Dân quê ở đây có ao cá xen giữa các luống cây trái trong vườn, và có máy móc để làm nông nên rất dễ sống. Chưa tới mùa lúa chín thì có cá và trái cây bán kiếm tiền chợ. Chúng tôi chỉ có 2 công đất mà người họ hàng - mang ơn bà ngoại chồng - giao cho, muốn trồng thứ gì cũng phải thuê mướn. Nhiều khi giống như đem tiền đi nuôi đất, hết tiền thì đồ đạc nào còn tốt trong nhà phải 'đội nón ra đi'.
Trồng rau cải trái mùa thì thu hoạch ít, nhưng bạn hàng săn đón và giá cao. Còn thuận mùa thì giá cả chỉ bằng một phần năm. Giao hàng từ 4 giờ sáng đến 4 giờ chiều họ mới trả cho một đống tiền lẻ, vậy mà có lần còn bị ăn cắp móc hết tiền. Lần đó, bao nhiêu buồn tủi chồng chất lâu ngày vỡ òa khiến nước mắt tuôn rơi không dứt!
Mỗi khi có dịp đi ra ngoài đường lộ, ngó theo những chiếc xe chở khách đi về Sài Gòn, tôi đau lòng với ý nghĩ không biết bao giờ mình mới hết thời gian ‘lưu đày’ để được trở về nơi chôn nhau cắt rún có mẹ, có anh chị em và hai đứa con trai. Bốn năm sanh ba đứa con, hễ con vừa dứt sữa là phải gởi về Sài Gòn cho mẹ ruột nuôi dùm vì trẻ con nơi đây hay bị chết vì té sông hoặc bị rắn độc cắn. Chỉ có đứa con gái út, ‘con gái rượu’ của chàng, chia phần khổ cực với cha mẹ. Thuốc men không có, mỗi lần con bị nóng hay bị đau gì thì chỉ biết hái nắm lá rau má hoặc cỏ mực đâm nhuyễn vắt lấy nước cho con uống, vậy mà bịnh cũng qua đi.
Phần chàng, dù chỉ cắm cúi lo làm công việc ‘bán mặt cho đất, bán lưng cho trời’ để nuôi vợ con nhưng không dễ yên thân. Mỗi tháng chàng phải lên xã để làm không công ba ngày liên tiếp, và có thể được mời lên nghe 'tội' của mình bất cứ lúc nào. Thương chàng giống như ‘con cá nằm trên thớt’, nhứt là không biết bao giờ cuộc sống mờ mịt mới chấm dứt, lúc nào lòng tôi cũng hướng về trời thầm thĩ cầu nguyện.
Nhìn lại khoảng thời gian mang màu 'xanh xám' đó, tôi tạ ơn Chúa đã giúp gia đình chúng tôi cách lạ lùng. Con nít hay té sông lúc qua cầu khỉ đi học, con tôi đi về an toàn. Sống cực khổ nhưng bé không bị bịnh gì nguy hiểm. Sanh con trong điều kiện cực khổ nhứt, nhưng tôi không bị thiệt mạng vì băng huyết như một số sản phụ trong vùng.
Đối với tôi, tình yêu dù 'xanh lơ', hay... 'xanh mặt đến xám xịt' cũng đều là những kỷ niệm đáng nhớ, khi tâm hồn biết dành trọn cho nhau.
Tóc Dài