top of page

 

​            Nước Bảo Bình Tình 23

 

(Riêng tặng bạn Hồ Tấn Hưng, Lê văn Nhơn, Lê Công Tông, và gia đình Bảo Bình.  TH.)

Dù đã 3 tuần trôi qua men say của đại hội kỹ niệm Đệ Nhị Bảo Bình 35 năm ra khơi vẫn còn lẩn quẩn quanh chúng tôi.
Các quan ông vẫn cứ theo luật của Khổng Tử, nam nữ thọ thọ bất thân,”nam tả nữ hữu”, các ngài cứ ngồi nhau kể chuyện năm xưa, chuyện đời quân ngũ, chuyện đi bờ, chuyện bạn mình hy sinh,  chuyện quân trường đến chiến trường,  ...  kể  cho nhau Ba mươi lăm năm qua, lần nào cũng y chang lần nấy, hễ mỗi lần gặp nhau dù quân số chỉ có 2 quan, một tiểu đội, hay cấp số trung đội, hay đông hơn như kỳ đại hội năm nay, họ kể nhau nghe chuyện dài, chuyện ngắn .... một ngàn lẻ một chuyện không giấy mực nào tả xiết:

       Hăm ba kể mấy cho vừa 
       Thức nguyên đêm kể vẫn chưa vơi lòng

Tôi nghiệp các Quan Bà vì yêu chồng, thông cảm nên .. biết phận: nhường anh. Hôm nay chúng tôi xin kể một chuyện bằng hình, ghi lại những giây phút “không quên”  ở Houston nhân kỳ hội ngộ kỹ niệm 35 năm Bảo Bình 2 ra khơi..

Đặc biệt năm nay chúng tôi có anh bạn Hồ Tấn Hưng mới từ Việt Nam sang. Do vậy anh em 23 chúng tôi săn sóc HTH rất kỹ, 100%. Anh rất vui khi gặp lại bạn bè sau khi chúng tôi “ngã ngựa”. 35 năm gần nữa đời người chứ ít đâu! Ba đêm vui chơi hội ngộ ở Houston anh đã say, không phải vì rượu Cognac mà vì “Hơi men Hăm Ba”. “Đêm tâm tình”, 26/5, chúng tôi vui chơi ở trung tâm Lạc Hồng đến sau nửa đêm mới ra về.  Anh HTH và các bạn về khách sạn, Trung tâm tạm trú Bạch Đằng 2, tâm tình đến 5 giờ sáng.  Các anh giải khát. bằng “Nước Bảo Bình.”

Lần đầu tiên qua Mỹ anh nghe danh từ “share phòng” từ bạn bè “23”. Thật ra “Share phòng” anh đã nghe nhiều qua báo chí từ lâu, bao nhiêu hạnh phúc gia đình đổ nát vì hai chữ “Share Phòng.”  Nhưng lần này anh thật xúc động! Anh bạn “23” Nguyễn Bá Chiến cho anh Share Phòng Free ở Ramada Inn làm nhẹ đi gánh nặng tài chánh cho gia đình anh mới vừa tới Mỹ.  Từ đáy lòng anh tâm sự với chúng tôi: 
Tau rất cảm ơn bạn bè “23”. Khi  còn kẹt ở bên nhà anh em 23 bên đó được anh em hải ngoại quyên giúp. Vật chất trong lúc kẹt như vậy rất qúi nhưng qúi hơn là niềm an ủi, giúp đỡ anh em bên nhà về mặt tinh thần không ít. (Chỉ có tinh thần là quan trọng!) Lần gia đình tau mới tới Mỹ, anh em cũng giúp. Bây giờ 35 hội ngộ, anh em lại mua vé máy bay cho tau, lại còn lo chỗ ngủ.
    Hăm Ba là thế đó! Hoa tình Hăm Ba có thể đơm bông hé nụ dưới bầu trời khắc nghiệt  vô thần ở sa mạc, trên kẻ đá nơi thâm sơn cùng cốc thiếu ánh sáng tự do, trên vùng đất sỏi đá khô cằn nứt nẻ, hay khoe mình trổ hoa, sai trái trên vùng đất phì nhiêu, nước ngọt.

     Đêm đại hôi, 27/5/2007, anh lần đầu tiên sau hơn 32 năm, khoác lên mình  chiếc nón sĩ quan Hải Quân với bộ dạ phục, anh vui và hãnh diên tột cùng. Dù kiếm cung đã xếp, tóc đã hai màu, anh thấy mình trẻ lại như mới ngày nào ở trường mẹ, chân đều bước ca bản “Ngày bao hùng binh tiến lên ..” đến giảng đường học ra quan.    Anh nhớ lại giây phút “Đại Quan”, một thời ngang dọc vẫy vùng năm vùng chiến thuật của những con kình ngư! Đêm nay đang ngồi vui chơi với bạn bè ở Houston anh tưởng mình  đang thả bộ trên đường Duy Tân bên chiếc áo dài trắng của các cô gái Nha Thành. Đúng vậy, anh cũng như bao bạn bè khác đang say trong hơi men “Hăm Ba”, và thấy mình trẻ lại.

Nhìn toán quốc thánh quân kỳ đang đều nhịp đi lên vị trí hành lễ, tim anh đập mạnh! Hùng dũng thế, oai nghi thế! Những chàng trai “23”, quan  thủ kỳ, quan mang kiếm,  6 quan đang ở tuỗi năm mươi ngoài nhưng họ dõng dạc, đều bước, rắn chắc, sẵn sàng cho giờ phút đại hội bắt đầu. Rồi ban hợp ca “23” cùng ban nhạc tấu lên bản quốc ca, tim anh như ngừng đập. Dòng máu Tiên Rồng cuồn cuộn dâng lên trong người anh.

Ôi lá cờ vàng ba sọc đỏ ý nghĩa làm sao!  Ôi hồn thiêng sông núi như bao trùm cả hội trường. Bản quốc ca vừa chấm dứt nhưng toán quốc thánh quân kỳ đứng như bất động. Đứng để chờ cho giờ phút mặc niệm sắp tới. Đúng vậy, bạn Hoàng Kim Bắc yêu cầu tất cả nghiêm mình, xin môt phút mặc niệm cho các quân dân chính đã hy sinh cho tự do, đã bỏ mình trong lao tù trên rừng thiêng nước độc từ Nam ra Bắc sau tháng tư đen năm 1975, cùng bà con đã bỏ mình trên biển đông trên đường đi tìm tự do. Bây giờ hai chữ Tự Do như đang nhảy múa trước mặt anh. Người anh tê lại. Anh biết mình, vợ con anh đang hít thở không khí tự do. Anh thầm cảm ơn Trời Phật, Thượng Đế, và Hăm Ba. Nhìn ca đoàn 23 anh lại mơ mộng về qúa khứ xa xưa. Các nữ ca sĩ một thời mang áo dài trắng Trưng Vương, Gia Long, Đồng Khánh, Văn Khoa ... từ Sài Gòn thủ đô, miền tây Mỹ Tho, cao nguyên Đà Lạt, miền Trung Nha Trang, Đà Nẵng, Huế tới Quảng Trị địa đầu, một thời từng là người yêu của lính.Họ một thời thân cò, tảo tần nuôi con, nuôi chồng ở trại cải tạo. Có chị mỗi lần thăm nuôi chồng mỗi lần bán máu. Sự hy sinh của họ vô bờ bến, và sư chung thủy của họ đáng vinh danh. Đêm nay đứng sau họ là những nam ca sĩ một thời kiêu hùng như anh, hiến thân tuổi trẻ cho lý tưởng tự do, cho biển cả, ngăn làn sóng đỏ. Có lắm anh trải qua nhiều cay đắng, tủi nhục của những tháng năm tù tội.  Các anh vươn lên, lo gia đình, cùng vợ lo con cái. Đêm nay các con tim của đôi uyên ương Hăm Ba rung lên đồng nhịp, hát lên những  hùng ca cho tổ quốc, cho binh chủng màu cờ  áo trắng.  Các nữ ca sĩ không hát cho Thúy-Nga, Asia, Vân Sơn, họ chỉ hát cho đại gia đình Bảo Bình đêm nay trong tinh thần “Hăm Ba”.  Họ hát với trái tim dâng hiến trọn vẹn cho người yêu, cho gia đình “Bảo Bình”.

Anh cũng xốn xao khi nghe Đan Trường của “Hăm Ba” trong bộ đại lễ oai hùng của người sĩ quan hải quân song ca với thân hữu bản “Thoáng giấc mơ qua.”  Đã từng làm người thủy thủ ai nghe mà không khỏi  chạnh lòng khi nghĩ đến người yêu mình năm năm tháng tháng mòn mỏi đợi chờ. Lòng anh nhói lên khi nghe nữ ca sĩ hát câu: “Anh ơi anh biết không có người yêu lính biển hồn nương sóng bay theo ...”  Bao nhiêu lá thư tình của người yêu, bây giờ là người bạn đời của anh, đêm nay từng chữ hiện lên chưa xóa mờ trong tâm trí của người thủy thủ tóc hai màu. Đêm này 2 tiếng hát của 2 Quan 23 đưa anh về lại quê hương. Ông Cò Quận Chín ca sáu câu rất mùi. “Sáu câu” như con tàu màu xám đưa anh trở về miền lục tỉnh, Định Tường quê anh. Thì ra ai xa quê không động lòng khi nghe lại  tiếng hát nghe tự thưở lọt lòng.  Anh Vinh “Qụa Chạn” cho anh nghe một liên khúc về miền Trung “qúa hay” khiến anh như bao người đã từng sinh ra miền Trung hay chiến đấu, công vụ ở miền Trung không khỏi động lòng trắc ẩn. Đúng vậy, “quê anh nghèo lắm em ơi ..” bão lụt, thiên tai, mùa đông dư nước mùa hè cháy da ...  Lời nhạc thật buồn nhưng nó tả lại cái thực và anh Vinh hát “qúa hay” nên anh Hưng cũng như những người xung quanh ai cũng vỗ tay, tan đi nỗi buồn.

     Đặc biệt anh và các Quan 23 gặp lại bạn Lê Văn Nhơn từ Úc châu bay sang tham dự.. Anh Nhơn từng là  tay văn nghệ  ở quân trường. Anh không lạ với ánh đèn màu. Như cá gặp nước, rồng gặp mây. Anh đã tham gia chương trình văn nghệ từ vị nhạc trưởng điều khiển ca đoàn Hăm Ba đến ca sĩ giúp vui.  Không riêng gì anh Hưng, tất cả anh em Hăm Ba rất cảm động khi thấy anh Nhơn không quản ngại đường sá xa xôi về họp mặt. Sự hiện diện của anh nói lên cái tình Hăm Ba sâu đậm. 

Cuộc vui nào cũng phải có hồi kết thúc. Thế nhưng gia đình Bảo Bình đêm nay kết thúc đêm Hội Ngộ với kỹ niệm lưu mãi trong tâm tư của những chàng thủy thủ Hăm Ba, nhờ tiếng hát của Kim Phượng với bản nhạc đầy ý nghĩa: “60 năm cuộc đời.”. Cô mới từ Việt Nam sang, Kim Phượng hát với tất cả đam mê, sống động không thua gì Mai Lệ Huyền của thập niên 70. Tiếng hát kích động của cô với tiếng nhạc đệm nhà nghề đêm nay cho các Quan Ông, Quan Bà chất men yêu đời, thấy “60 năm cuộc đời”  chưa đủ, họ twist như trời đất quay cuồng, twist cho hết “90 năm cuộc đời” mới thôi.

 Đêm Hội Ngộ của gia đình Bảo Bình 1 & Bảo Bình 2  kỹ niệm 35 năm DNBB Ra Khơi chính thức chấm dứt. Thật là vinh dự cho Bảo Bình 2 vì đây là lần đầu tiên đại gia đình Bảo Bình Hội Ngộ, cũng là lần đầu tiên trong lịch sử của quân trường Hải Quân Nha Trang, hai khóa Đệ Nhất và Đệ Nhị cùng chung họp khóa. Dù đêm tàn nhưng anh Hưng và các Quan 23 vẫn vui. Vui vì anh gặp lại bạn bè sau bao nhiêu năm xa cách. 

Đêm Hội Ngộ đã chấm dứt. Nhưng sau 8 giờ án binh, tịnh dưỡng, Quan Hưng và đoàn quân Hăm Ba, lại lần nữa xuất quân. Sáng thứ hai, 28/5, cũng trên đường Bellaire, bên kia đường của nhà hàng Kim Sơn tối qua, mới 9 giờ sáng họ vui lần cuối trước khi chia tay. Lần này anh Hưng được sự ủng hộ của anh Tân Hội Trưởng Hoàng Kim Bắc, bắt anh Trần Ngọc Sơn, cựu Sinh Viên Tiểu Đoàn Trưởng ở quân trường ..... trả nợ .... năm xưa, món nợ đố ai trả nỗi mà không “gục”!   

  .. Và anh Sơn vui vẻ chịu Dzô”. 100%! Anh Sơn vẫn kiêu hùng “dzô”
 như 35 năm về trước.

Giờ đã đến! Anh thủ qũy Trần Ngọc Minh kiêm Trung Đội Trưởng/TD1/CH bắt đầu “Ôm bình Bảo Bình” đổ. Anh Lê Công Tông cầm chén hứng cho anh Sơn với anh tân Hội Trưởng chứng giám.  Đặc biệt vì lo gia đình, bận kế sinh nhai, đây là lần đầu tiên anh cùng gia đình  tham dự hội ngộ sau khi vượt biên,  định cư ở Mỹ.  LCT rất cảm động khi gặp lại bạn bè. Anh bảo nhờ đại hôi này vợ con anh xem hình ảnh trên slides mới biết thêm và cảm thông cái khổ của đời trai trẻ của anh. Anh bảo: “Chuyến đi hội ngộ này đáng đồng tiền bát gạo.”Ngày xưa anh Sơn có quyền bính trong tay nhưng anh rất hiền. Nhìn anh chúng tôi không khỏi không nhớ “Lê Bá Thở”  của Sinh Viên Tiểu Đòan Trưởng Khóa đàn anh.  Dù anh Sơn cố che chở chúng tôi đến đâu, lịnh của SV/TDT/DA Lê Bá Thoại ban xuống .... chúng tôi “Bá Thở”. 
Do vậy cũng xui cho anh Lê Bá Chiến ...  bị thi hành lịnh phạt “không đâu” đến nỗi có tên “Bá Thở.”

Hôm nay thấy anh Sơn “khó thở” và mặt anh đỏ lên vì “nước Bảo Bình”, anh Lê Bá Thở “Hăm Ba” hài lòng, cười  ... nhưng anh Hưng biết mình tội lỗi ... nên giang tay nghĩa hiệp .. cứu bồ. Bình “Nước Bảo Bình” luôn luôn chảy, băng qua các thác ngàn, sơn khê của Bình 1 và tiếp tục chảy qua đồi núi, thung lũng, gềnh thác Bình 2.  Chảy không bao giờ nghỉ. Chảy từ Houston tới Úc châu. Chảy từ Bolsa tới trời Âu. Chảy từ năm châu về tận kinh xáng, sông ngòi Việt Nam.

Nước Bảo Bình có hai nguyên chất đặc biệt dưới ký hiệu của 2 số nguyên tố: “11” và “23”.  Hai nguyên chất này đã nuôi lớn con cháu Thánh Trần Bình “Nước Bảo Bình” luôn luôn có  “Tình Hăm Ba” sôi bọt, sôi mãi ngàn năm:

 

 

Tình thân.
(Viết xong 6/17/2007. Father Day – Tặng các Bố Bảo Bình – và các Má “as well.”
HQ/Thiếu Úy –Bình 2- Tê Hát)

Nước Bảo Bình
Ước nguyện hăm ba
bottom of page